Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Tận bán!

Ông nọ làm một quán ăn sang trọng giữa hồ. Do không có đường ra quán, ông nhờ đất của chủ hồ làm chiếc cầu nhỏ để khách ra nhà hàng.
Thế rồi với lí do phải chi tiền làm cầu nên ông dựng trạm barie bán vé cho khách qua cầu. Việc làm trên có hợp lí, hợp tình và đúng pháp luật?
          Với câu hỏi này, tôi tin 100% người trả lời không. Bởi nếu không ra quán ăn hàng chẳng ai cần đi trên chiếc cầu đó để mất tiền vô ích. Đây là cách tận bán để tận thu!
Thực ra chuyện trên chỉ là giả định, một ví dụ vui. Tuy nhiên, thực tiễn lại đang diễn ra câu chuyện y hệt, đó là việc thu phí dịch vụ xe ô tô đưa khách vào cửa ga đi máy bay tại các cảng hàng không của ta. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong công tác quản lí, sử dụng vốn, đất đai, tài sản… ACV đã thu phí một số dịch vụ phi hàng không không đúng quy định. 21 cảng hàng không trên cả nước đang thu tiền dịch vụ đường dẫn vào nhà ga với ô tô đưa, đón khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 5 phút) với mức giá vé lượt từ 7.000 - 30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 - 1.650.000 đồng.

Xe đưa khách vào cửa ga hàng không dừng 5 phút mất 30.000 đồng

Ai cũng biết dịch vụ hàng không đắt đỏ, trừ một số vé máy bay được bán giá rẻ nhằm kích thích sử dụng dịch vụ. Nguyên nhân vì đây là loại dịch vụ có suất đầu tư lớn. Nhưng nhiều dịch vụ khác đang “ăn theo” cái đắt đỏ của hàng không. Chẳng hạn ở khu chờ bay tại sân bay quốc tế Nội Bài một bát phở bình thường cũng có giá 100.000 đồng trong khi ở nội thành Hà Nội chỉ 30.000-40.000 đồng; chiếc bánh mì kẹp bán 60.000 đồng khi nơi khác chỉ 15.000-20.000 đồng v.v.
Tưởng chuyện sai là quá rõ. Tiếc rằng cả doanh nghiệp lẫn bộ chủ quản lại không cho là vậy. ACV chỉ đề nghị tạm dừng và đang rất “nỗ lực” để việc bán vé đường bộ này được duy trì. Họ cho rằng tuy đất được giao không phải nộp tiền thuê đất nhưng đã bỏ tiền đầu tư vào đây, thu phí là hợp lí. Phải chăng ACV coi đây giống đường BOT, đã đầu tư thì được thu phí hoàn vốn? BOT 70km mới có một trạm thu giá, xe 4-7 chỗ vé chừng 35.000 đồng. Vậy với đoạn đường dẫn vào ga chừng mấy trăm mét mà thu đến 30.000 đồng thì theo quy định nào?
Nếu ai từng vào một số siêu thị như Metro, BigC tại Hà Nội sẽ thấy họ cũng có không gian dành cho khách hàng rất thoải mái từ đường vào, bãi giữ xe rộng mênh mông miễn phí dù gửi xe cả ngày. Mục tiêu của các doanh nghiệp này là tận tụy phục vụ khách hàng tiện lợi để nâng cao uy tín, thu hút khách chứ không tận bán. Dù hạ tầng có thể tận dụng thu được tiền song họ đã không làm như ACV.
Được biết bộ chủ quản đang “hoàn thiện cơ sở pháp lí”, trình Thủ tướng cho phép được tiếp tục bán vé xe đưa khách vào ga hàng không. Một nguồn thu có thể coi là nhỏ nhưng chắc chắn sẽ mất đi cái không nhỏ, đó là uy tín trước du khách cả trong và ngoài nước nếu vẫn giữ tư duy tận bán!/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 1 tháng 2 năm 2018

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

 "Con đâu theo" 

Không phải là người đầu tư bất động sản (BĐS) nhưng lâu nay nghe quảng cáo nhiều về hình thức đầu tư BĐS du lịch condotel nên tôi cũng tò mò tìm hiểu xem nó là cái gì.
Coldotel, một từ chẳng rõ tiếng nước nào nhưng nghe như âm “con đâu theo” của tiếng Việt. Theo thông tin tìm hiểu được thì đây là loại hình căn hộ khách sạn được “bán đứt” cho nhà đầu tư thứ cấp. Chủ đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp mua căn hộ với hứa hẹn hấp dẫn như sẽ có sổ đỏ sở hữu vĩnh viễn, hằng năm hưởng lãi suất cao (dao động 9-15% tùy từng dự án), khi cần có thể đến nghỉ như ngôi nhà của mình. 


Căn hộ condotel nở rộ ở Nha Trang

Dù hằng ngày vẫn thấy quảng cáo khá nhiều trên đài truyền hình nhưng tại Nha Trang đã xảy ra tranh chấp về việc kinh doanh và sở hữu căn hộ condotel. Tại một số dự án chủ đầu tư đã không thực hiện như cam kết về trả lãi, người mua nhà có muốn cũng không thể đến ở căn hộ của mình và đành phản ứng bằng khóa trái căn hộ…
Từ những gì đang diễn ra, có vẻ người đầu tư vào condotel còn rủi ro hơn cho vay nặng lãi dù lãi chẳng nặng. Với căn hộ trị giá hàng tỉ đồng nếu số tiền đó gửi tiết kiệm ngân hàng ngay lập tức đã có lãi suất (hiện khoảng từ 6-8% năm tùy ngân hàng và thời hạn). Đầu tư condotel nộp tiền từ khi dự án bắt đầu đến khi xong căn hộ bắt đầu kinh doanh mới được tính lãi suất (nhanh cũng vài ba năm hoặc lâu hơn nếu bị vướng về thủ tục xây dựng). Nói là lãi suất 9-15% nhưng nếu trừ lạm phát chừng 4-5%/ năm thì chỉ còn 5-10%. Hơn nữa khi đã đầu tư mua căn hộ thì đồng tiền đã bị “chôn chặt”, không thể muốn rút ra lúc nào tùy ý như gửi ngân hàng.
Đó là mới nói về chuyện thiệt hơn lãi suất. Về mặt pháp lí, hiện nay luật pháp chưa có quy định cụ thể về loại hình BĐS này. Vậy mà đã có địa phương cấp sổ đỏ cho nhà đầu tư thứ cấp. Theo các chuyên gia, việc cấp sổ đỏ cho cá nhân loại BĐS này là không đúng quy định của pháp luật. Sở hữu căn hộ phải theo Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, trong khi khách sạn không phải là nhà chung cư, không có ban quản lí và người mua nhà cũng không được cư trú lâu dài. Nhà đầu tư khó có thể bán căn hộ khi mà về pháp lí chưa rõ ràng hoặc đang tranh chấp… Vậy là nhà đầu tư muốn cũng không thể “thoái vốn” dễ dàng như gửi tiền tại ngân hàng.
Khi mời gọi, chủ đầu tư thường đưa ra cam kết nghe rất “ngon ăn” nhưng nếu thực tiễn kinh doanh không được như kì vọng sẽ khó bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư thứ cấp. Đó là chưa nói đến việc chủ đầu tư thế chấp toàn bộ dự án để vay tiền ngân hàng dùng vốn kinh doanh dự án khác. Chuyện này, theo nhiều chuyên gia kinh tế là khá phổ biến trong kinh doanh BĐS hiện nay. Một nhà môi giới BĐS tại Nha Trang cho rằng có hơn 60% dự án condotel của tỉnh này đang thế chấp vay ngân hàng nhưng không công khai rộng rãi. Khi dự án được mang thế chấp vay vốn, căn hộ condotel lúc đó thuộc về ngân hàng.
Nếu xảy ra tình thế như vậy thì lúc này nhà đầu tư thứ cấp condotel… còn gì đâu mà theo?
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 25 tháng 1 năm 2018

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Câu chuyện minh bạch

Minh bạch là nền tảng căn bản của mọi thể chế dân chủ.
Minh bạch bảo đảm cho sự giám sát rộng rãi, để công bằng, chân lí được phơi bày. Một khi sự minh bạch bị phớt lờ thì đằng sau nó sẽ tồn tại sự khuất tất.
Vừa qua, dư luận bất ngờ và bức xúc khi trong kì công bố giá xăng dầu, cơ quan quản lí “lờ đi” giá xăng RON 95 dù nó được tăng tới 810 đồng/lít, khi mà giá thế giới biến động không nhiều. Liên ngành Công Thương-Tài chính cho rằng chỉ công bố giá các loại xăng dầu phổ biến, cũng có nghĩa là xăng RON 95 không phải là phổ biến? Chẳng rõ hai bộ này đã thống kê, nghiên cứu tỉ lệ người dùng từng loại xăng dầu hay chưa mà đã có khẳng định trên trong khi thực tế do chưa thật tin xăng E5, nhiều người đổ xô sang dùng xăng RON 95? Sự biện minh này chưa đủ sức thuyết phục dư luận.
Do minh bạch, công khai trong cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa qua đã mang lại hàng tỉ đô la cho Nhà nước. Nếu không minh bạch về giá trị doanh nghiệp, thương hiệu, tình hình kinh doanh, tiềm năng phát triển… của Sabeco thì doanh nghiệp nước ngoài không thể bỏ ra số tiền lớn như vậy đầu tư vào doanh nghiệp này.

Minh bạch cổ phần hóa Sabeco mang lại cho Nhà nước hàng tỉ đô la

Chuyện thoái vốn tại Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang trước đây, cũng do sự minh bạch bị bỏ qua mà tiến trình thực hiện bị chìm trong khuất tất. Người lao động không thể biết doanh nghiệp lãi thật hay lỗ giả, giá trị thương hiệu là bao... Năm 2014 có 3,9 triệu cổ phiếu Điện Quang được thoái theo hình thức thỏa thuận, không tổ chức bán đấu giá công khai. Một doanh nghiệp làm ăn bình thường nhưng vẫn bị thua lỗ và giá trị doanh nghiệp tụt thấp. Số cổ phiếu trên đã được em trai của một lãnh đạo doanh nghiệp này mua. Thế rồi sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp như được “tiêm chất kích thích”, tăng trưởng “như gió”. Chỉ có điều, giá trị tăng lên lúc này đã rơi vào túi của một số người trong đó có lãnh đạo công ty và người thân chứ không phải đa số người lao động. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra khi cổ phần hóa, những người trong cuộc nắm rõ thông tin, có thể thao túng để mua cổ phần với giá thấp.

Kinh doanh xăng dầu còn nhiều điều chưa minh bạch

Năm 2018 Chính phủ sẽ tiếp tục tiến trình cổ phần hóa tại nhiều doanh nghiệp. Để việc thoái vốn mang lại hiệu quả, không làm thất thoát tài sản Nhà nước đòi hỏi công khai, minh bạch phải là tiêu chí hàng đầu.
          Hiện nay tồn tại sự bất cập là một số bộ ngành quản lí nhà nước đồng thời sở hữu doanh nghiệp. Đã có nhiều ý kiến đề xuất tách doanh nghiệp khỏi cơ quan quản lí bởi ta đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Với mục tiêu, chức năng kiến tạo thì cơ quan quản lí nhà nước cần sự vô tư, công bằng trong điều hành và tham mưu đề ra chính sách. Nếu vì lợi ích cụ bộ thì môi trường kinh doanh sẽ méo mó, triệt tiêu sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
          Chuyện “lờ đi” thông tin giá xăng RON 95 đợt tăng giá vừa qua, rồi chuyện “tù mù” Quỹ bình ổn giá xăng dầu, phải chăng thấp thoáng đâu đó vẫn tồn tại lợi ích cục bộ?
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 18 tháng 01 năm 2018  

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Của lo, có ai biết… lo?


         “Của biếu là của lo…”, lời tiền nhân trong truyện cổ tích cho đến nay vẫn luôn nóng hổi tính thời sự mỗi khi Tết đến, Xuân về.
       Cứ đến tháng cận Tết âm lịch, mọi ngả đường như cùng hướng về Thủ đô khiến Hà thành vốn đã đông đúc càng thêm ngột ngạt vì giao thông ách tắc.
     Trong dòng người, xe hối hả việc mua sắm chuẩn bị Tết không ít người mang những “của lo” để gửi gắm tới những địa chỉ có thể… lo giùm.
         Dân gian thật tinh khi gắn 2 từ “biếu” với “xén” thành cụm động từ “biếu xén”. Đã biếu thì phải xén, không xén thì sao có để biếu. Với mỗi cán bộ, công chức chỉ trông vào nguồn thu nhập chân chính, muốn tặng quà người thân, họ hàng thì biếu chỗ nọ cũng phải xén chỗ kia. Nếu muốn biếu cấp trên một món quà giá trị liệu chỉ xén từ đồng lương ít ỏi là đủ?
       Cha mẹ khi được con cháu có biếu chút quà mọn, nhận rồi cũng không khỏi tâm lí cần làm cái gì đó đáp lại với suy nghĩ “có đi có lại mới toại lòng nhau”. 
        Vậy thì khi một người có chức, có quyền nhận món quà từ cấp dưới, người chịu sự ảnh hưởng bởi những quyết định của mình liệu có thoát khỏi tâm lí phải làm điều gì đó cho “toại lòng”, nhất là với món quà giá trị rất… không bình thường? “Quà biếu” như trong vụ án Trịnh Xuân Thanh với chiếc va li chứa hàng chục tỉ đồng thì không thể coi là món quà mà đó chính là đồng tiền tham ô dùng để hối lộ!

Người đủ dũng khí mới từ chối được những món quà khủng

        Của biếu không bình thường khó có được từ nguồn thu nhập bình thường và rất dễ là những thứ “không sạch”. Người nhận món quà không sạch thì bàn tay khó giữ được sạch sẽ mà hệ quả trước tiên là dễ chấp nhận sự sai phạm rồi đến trực tiếp vi phạm. Phát biểu tại hội nghị T.Ư 6 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc: “Đề nghị từng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ…”.
        Trong hàng loạt cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật, bị truy tố đã và đang được xét xử hiện nay thì một số đã vi phạm từ khá lâu, trong thời gian dài nhưng vẫn bình an và thăng tiến. Phải chăng sự sai trái đã được dung túng bởi cấp trên của họ cũng có những bàn tay “dính chàm”?
       Để bàn tay không “dính chàm”, mỗi cán bộ, công chức cần có dũng khí vượt qua cám giỗ vật chất và biết trọng nhân cách hơn tiền bạc. Trong cuộc đời một con người, thứ để lại quý giá nhất là danh thơm, tệ nhất là tai tiếng lưu truyền và tiền của cũng chẳng thể mang theo./.    
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 11 tháng 1 năm 2018   
               

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Chuyện buồn những “quả đấm”

Từ lâu có ai đó đã ví von các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước là những “quả đấm thép”.
Những ai từng nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lê nin không thể quên công thức nổi tiếng của Lê nin “Chính quyền Xô viết + Điện khí hóa = Chủ nghĩa cộng sản”. Định hướng đúng đắn, thiên tài của Lê nin đã giúp đưa nước Nga từ một quốc gia nghèo nàn lạc hậu nhanh chóng vươn lên có một nền công nghiệp hùng mạnh để hơn 20 năm sau đương đầu và chiến thắng phát xít Đức.
Điện khí hóa chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong nền kinh tế kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 cho đến hiện nay. Đây có thể coi như trụ đỡ, là “xương sống” của nền kinh tế. Chính vì vậy, hầu hết các quốc gia luôn nắm chắc tiềm lực này để điều chỉnh, dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng.
Kết quả hình ảnh cho tăng giá điện
Với nền kinh tế Việt Nam, điện lực, dầu khí có vị trí vô cùng quan trọng. Những năm trước, khi giá dầu thế giới lên hơn 100 đô la/thùng thì dầu khí chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lí nguồn tiềm lực có hạn này đã xảy ra những lỗ hổng lớn khiến nhà nước mất đi hàng triệu đô la và quan trọng hơn là mất đi nhiều cán bộ cùng niềm tin của Nhân dân mà hiện đang phải khắc phục. Có thể ví “quả đấm thép dầu khí” đã giáng một “đòn đau” cho nền kinh tế!
Đầu tháng 12 vừa qua khi Chính phủ cho phép Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 6,08%, tâm trạng dù không vui nhưng cộng đồng doanh nghiệp và người dân cũng thông cảm, chia sẻ cùng doanh nghiệp này khi mà năm qua được biết EVN vẫn lỗ hàng trăm tỉ đồng. Nhưng thật bất ngờ qua thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính vừa chỉ ra EVN đã hạch toán sai hơn 1.341 tỉ đồng và lờ đi 4.847 tỉ đồng lãi chênh lệch tỉ giá trong khi vẫn “treo” khoản nợ do tỉ giá 9.500 tỉ đồng từ trước? Vì hạch toán sai nên “đã giúp" EVN giảm lợi nhuận năm 2015 là 1.341 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh chung năm 2016 ghi nhận lãi trên 2.658 tỉ đồng chứ không lỗ. Có chuyên gia kinh tế đã chỉ ra: “Việc công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh xấu đi là không trung thực. Nếu kết quả kinh doanh tốt thì việc tăng giá điện vừa qua cũng ít chịu áp lực hơn, giảm đi gánh nặng cho người dân”. Mặc dù phía EVN đã lập tức đưa ra những giải trình nhưng dự luận và người dân không thể không tin cơ quan của Chính phủ là Bộ Tài chính!

Kết quả hình ảnh cho tăng giá điện
Cộng đồng doanh nghiệp và người dân luôn chia sẻ khó khăn của ngành điện

Chính phủ đang nỗ lực để có một thị trường điện lực cạnh tranh nhưng không thể phủ nhận thực tế là đang có rất nhiều người bán điện nhưng chỉ một người được mua và hàng triệu người mua điện nhưng chỉ có một người được bán, một người đó có tên EVN!
Mong rằng “quả đấm” EVN không xảy ra câu chuyện buồn như tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 09 tháng 01 năm 2018  

Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Bằng cấp và năng lực

Nay đã rời khỏi quân ngũ nhưng tôi vẫn có cảm giác nhớ và tiếc một trường hợp cán bộ dưới quyền phải rời quân đội khi mà năng lực, sức khỏe của anh rất tốt. Lí do đơn giản vì anh chỉ tốt nghiệp lớp 7/10 hệ phổ thông và mới qua đào tạo sĩ quan ngắn hạn. Theo quy định của Luật Sĩ quan thì cứ đến độ tuổi tương ứng cấp hàm sẽ được nghỉ chế độ. Nếu có tấm bằng cấp 3 (10/10) thì anh còn phục vụ được thêm 5 năm hoặc có bằng đại học thì có thêm 10 năm cống hiến cho quân đội. Trong khi đó có người bằng cấp “xịn” năng lực lại yếu nhưng đơn vị cũng không thể cho nghỉ hưu sớm khi họ chưa có nguyện vọng.



          Tuy chỉ với bằng cấp, học hành hạn hẹp như vậy nhưng anh này lại có năng lực công tác hơn hẳn một số sĩ quan đào tạo cơ bản khác. Lí do đơn giản là quá trình công tác anh luôn tự tìm tòi học hỏi từ sách báo và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Tuy không có bằng cấp nhưng anh thực sự là một kĩ sư thực hành loại giỏi, đáp ứng tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ đơn vị.
Nói câu chuyện trên vì hiện Bộ Giáo dục & Đào tạo đang lấy ý kiến vào dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, theo đó hình thức đào tạo sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện tại trên cơ sở cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên và chuẩn đầu ra của 2 hình thức đào tạo tập trung và không tập trung. Dự thảo đã gây dư luận với 2 luồng ý kiến trái chiều. Một số người có bằng đào tạo tập trung thì cho như vậy là đánh đồng giữa các loại bằng đại học chính quy và không chính quy. Nhưng đa số các chuyên gia đều cho rằng khi đã bảo đảm chuẩn chương trình, giáo viên và đầu ra một cách nghiêm túc, minh bạch thì hình thức, nội dung ghi trên tấm bằng không mấy quan trọng.
Có lẽ cách tuyển dụng coi trọng bằng cấp ở khu vực công vẫn còn nặng nề trong tư duy của không ít lãnh đạo. Tại khu vực tư, các doanh nghiệp tuyển dụng thì lại khác, họ coi trọng năng lực thực tiễn cùng tư chất của ứng viên. Trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng có khi họ còn chẳng để ý tới ứng viên có bằng cấp gì, “vẻ đẹp” tấm bằng cũng là thừa. Chính vì vậy mà nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá giỏi vẫn không qua được vòng tuyển dụng. Trong số khoảng 200 nghìn cử nhân, kĩ sư đang thất nghiệp hiện nay không ít trong số đó xuất phát từ lí do năng lực thực tiễn và kĩ năng nghề chưa đáp ứng nhu cầu.
Cách sắp xếp, sử dụng con người trên cơ sở tiêu chuẩn bằng cấp luôn có tính 2 mặt. Bằng cấp là nền tảng ban đầu nhưng không phải là tất cả. Trong các cơ quan hành chính nhà nước tại nhiều địa phương hiện có không ít những người bằng cấp “hoành tráng” nhưng năng lực lại nhạt nhòa, công việc hằng ngày chủ yếu “sáng cắp ô đi, chiều cấp ô về”.
Đã đến lúc cần xem lại tiêu chí bằng cấp trong tuyển dụng công chức, viên chức. Bằng cấp chỉ nên xem là yếu tố cần chứ không phải đủ. Vấn đề quan trọng là sự năng động, sáng tạo vận dụng kiến thức vào thực tiễn của mỗi cá nhân. Phẩm chất nỗ lực tự học hỏi, tư duy sáng tạo mới là những nhân lực tiềm năng trong tương lai./.  
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 04 tháng 01 năm 2018