Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Ngăn chặn “tham nhũng kế thừa”

Thời phong kiến, quyền lực như được ấn định “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Định chế cha truyền con nối khiến phận dân thường rất khó “ngóc đầu lên” ở vị thế cao trong xã hội.
Dưới chế độ dân chủ, tàn dư xã hội cũ dần được loại trừ đã giúp những tài năng con em bình dân có cơ hội đóng góp trí tuệ cùng vị trí xứng đáng.  
Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều trường hợp sinh viên đại học tốt nghiệp loại giỏi, kể cả “thủ khoa” nhưng vô cùng chật vật mới có một “chân” trong biên chế để thể hiện tài năng sau những năm đèn sách. Trong khi đó, con em của nhiều cán bộ lãnh đạo với học lực bình thường, thậm chí “chắp vá” lại nhanh chóng có chỗ đứng trong cơ quan công quyền rồi vươn lên ở chức vụ cao một cách… “siêu tốc”!
Cách đây hơn chục năm khi về quê, tôi từng được nghe chuyện một lãnh đạo huyện nhà với quyền lực trong tay đã làm nhiều chuyện vô lí tựa “bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Nhân viên nọ đang làm việc bình thường tại cơ quan huyện bỗng một hôm vị lãnh đạo đó xuống chỉ thẳng vào mặt, ném một câu: “Thằng này từ ngày mai nghỉ việc”. Thế là anh nhân viên đó lập tức bị sa thải. Thế chân vào chỗ ấy là một người họ hàng của vị lãnh đạo trên. Vị cán bộ này còn tham nhũng rất nhiều đất đai, nhưng cả bộ máy tổ chức Đảng ở đây dường như bất lực cho đến khi những tố giác của người dân được cơ quan chức năng phanh phui. Cuối cùng, một hình thức kỉ luật với vị này cũng được thực hiện. Tuy nhiên “di sản” đất đai, tài sản, kể cả những “hậu duệ” của ông ta thì ít suy suyển.

Ông Nguyễn Xuân Anh

Tham nhũng quyền lực có thể coi là đỉnh cao của tệ tham nhũng. Khi quyền lực như được ban phát thì người hưởng ân huệ sẽ “khai thác” quyền mà họ nhận được để hàm ơn và vụ lợi, tìm mọi cách để thu về giá trị vật chất một cách bất minh.
Ông Lê Phước Hoài Bảo 
Với sự vào cuộc nghiêm minh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chuyện “hậu duệ” với những cá nhân “tuổi trẻ tài cao” dần phát lộ thực chất. “Tấm áo” quy trình nhiều nơi đã bị biến màu, trở thành “vải thưa” che mắt dư luận được lột bỏ. Vụ ông Nguyễn Xuân Anh của Đà Nẵng rồi đến Lê Phước Hoài Bảo của Quảng Nam… đã được xử lí nghiêm. Mới đây dư luận tiếp tục rộ lên việc con nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, 2 con trai Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng có quan lộ như “diều gặp gió”… cần được làm rõ. Việc xử lí nghiêm minh sai phạm trong công tác cán bộ sẽ củng cố niềm tin trong Nhân dân về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta.
Chủ trương của Đảng luôn khuyến khích con em lãnh đạo phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng tộc để đóng góp cho đất nước. Nhưng nếu người lãnh đạo coi vị trí trong cơ quan công quyền như một nơi lợi lộc, không vì lợi ích chung thì con em họ khi được kế thừa sẽ noi theo động cơ trục lợi. Như vậy, chẳng khác gì tham nhũng được “kế thừa”, duy trì mối họa cho đất nước./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 28 tháng 12 năm 2017

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Kinh tế chia sẻ, sẻ chia kinh tế

Có lẽ từ thực tiễn nhu cầu chia sẻ phương tiện giao thông cá nhân để tiết kiệm chi phí đã ra đời các hãng cung cấp phần mềm gọi xe qua điện thoại thông minh Uber, Grab.
Sự xuất hiện loại hình doanh nghiệp với cách điều hành mới lạ, tiện ích đã khiến làng taxi toàn cầu lao đao. Từ vụ kiện của Hiệp hội tài xế taxi chuyên nghiệp ở Barcelona (Tây Ban Nha), tòa án cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) vừa qua đã phán quyết Uber cần được phân loại là một dịch vụ vận tải và chịu sự điều tiết như các hãng taxi khác.


Mới được thí điểm 2 năm nhưng sự đổ bộ của 2 hãng Uber, Grab đã khiến các doanh nghiệp taxi tại Việt Nam điêu đứng vì sụt giảm doanh thu cùng sự giảm sút nguồn thuế của Nhà nước. Ưu thế công nghệ vượt trội, không bị ràng buộc nhiều điều kiện của xe taxi, nhưng Uber, Grab có đúng là loại hình kinh tế chia sẻ, tận dụng lái xe nhàn rỗi?
Ai cũng biết, sở hữu một chiếc ô tô hầu hết là người khá giả hoặc thu nhập tương đối cao và có việc làm ổn định. Không có người thu nhập thấp lại đi vay tiền mua xe rồi để nhàn rỗi, chờ chia sẻ. Người khá giả, người có công việc ổn định thì mấy ai chấp nhận sự điều hành của hãng công nghệ bất kể lúc nào chỉ nhằm kiếm thêm mấy đồng bạc lẻ? Nhiều nhà quản lí vận tải khẳng định 100% các xe Uber, Grab do người lái xe đầu tư (kể cả vay trả góp) để kinh doanh.

Các hãng Uber, Grab đang minh chứng mình chỉ là bên cung ứng dịch vụ phần mềm gọi xe, không phải là công ty vận tải. Nhưng thực tế họ là người trực tiếp thu tiền của hành khách, quyết định giá cước (thậm chí theo giờ) và trả tiền thuê lái xe. Mọi khâu quan trọng nhất trong dây chuyền kinh doanh đều do hãng công nghệ đảm nhận. Người lái xe trực tiếp cầm vô lăng đưa đón khách và nhận tiền thù lao! Vậy thì Uber, Grab đâu phải loại hình kinh tế chia sẻ?
Ban đầu giá cước của Uber, Grab khá cạnh tranh nhưng đến nay giá cả đã tương đồng với taxi truyền thống, thậm chí giờ trọng điểm còn cao hơn. Sự bất bình đẳng ai cũng nhận thấy giữa 2 loại hình vận tải này: Thuế GTGT của taxi truyền thống 10%; Uber, Grab 3%. Taxi truyền thống phải đóng các loại bảo hiểm cho người lao động, hành khách đi xe cùng hàng loạt điều kiện về lưu thông trên đường, tiêu chuẩn bắt buộc của lái xe... trong khi Uber, Grab không bị ràng buộc. Người lái xe cho hãng taxi công nghệ liệu có biết mình đang bị tước đi quyền lợi khi chỉ nhận chút thù lao trên mỗi cây số đường? Nếu xảy ra tai nạn, hành khách rất khó đòi hỏi sự bồi thường từ những người tài xế vốn chẳng khá giả, còn hãng công nghệ thì như vô can!
Dù nắm mọi mắt xích quan trọng trong kinh doanh nhưng Uber, Grab nói họ chỉ được hưởng 20% doanh thu vận tải, 80% doanh thu vận tải còn lại được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác. Với danh xưng cung ứng phần mềm gọi xe, các hãng taxi công nghệ như đang “núp” sau tấm lưng gầy của người lái xe để hưởng lợi. Với 20% doanh thu tự nhận và 3% đóng góp thuế GTGT, hết trách nhiệm sau khi thanh toán tiền công cho lái xe, vậy thì họ đã “sẻ chia” được bao nhiêu cho cộng đồng xã hội và nền kinh tế?./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 27 tháng 12 năm 2017 

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Bình luận



 Cận huyết thống

Một vài dân tộc ít người đang tồn tại tập quán hôn nhân cận huyết thống gây hệ quả thoái hóa giống nòi đã được báo chí thông tin nhiều lần. Khái niệm hôn nhân cận huyết thống hiểu nôm na là kết hôn giữa đôi trai gái có cùng dòng máu. Những gien khiếm khuyết di truyền từ 2 người vợ và chồng sẽ “tích hợp” làm trầm trọng thêm, hệ quả là cho ra đời những đứa trẻ yếu ớt, bệnh tật, thâm chí quái thai. 
Hiểu sâu về chuyện này phải nhờ các chuyên gia y học hoặc chuyên ngành di truyền. Ở đây xin nói về câu chuyện mà hệ quả tương tự việc hôn nhân cận huyết thống, đó là hiện tượng "công quyền cận huyết thống"!
Cách đây 1 năm dư luận xôn xao về chuyện "cả họ làm quan" ở huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Rất nhiều người trong cơ quan huyện có quan hệ họ hàng, thông gia... của vợ chồng Bí thư Huyện ủy huyện này.



Gần đây báo chí đưa tin nhiều trường hợp lãnh đạo ở các tỉnh như Hà Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu,  Bình Định... thanh minh về chuyện "bỗng dưng" con cháu, họ hàng, người thân "bị" bổ nhiệm, quy hoạch, bố trí sắp xếp vào các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh ở những vị trí mà nhiều người đỗ đạt, bằng cấp cao cũng phải mơ. Rồi chuyện con đẻ, người thân cận cựu Bổ trưởng nọ được bổ nhiệm vào những cơ quan, doanh nghiệp lớn gây nghi ngờ trong dư luận v.v.
           Điểm chung những chuyện trên là việc sắp xếp, bổ nhiệm người thân của lãnh đạo đều được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng nếu đúng quy trình mà không chọn được người thực sự tài đức nhưng lại "ngẫu nhiên" chọn toàn người thân của lãnh đạo thì quy trình đó có vấn đề. Còn nếu quy trình đúng đắn, khoa học thì cần xem lại việc thực hiện quy trình đó thế nào? Một cỗ máy tốt nếu không biết cách sử dụng hoặc cố tình sử dụng sai thì sẽ cho ra sản phẩm hỏng hoặc không được như mong đợi.
 Từ thời vua Lê Thánh Tông cách đây hơn 500 năm đã có Bộ luật Hồng Đức trong đó Luật Hồi tỵ quy định cụ thể việc bổ nhiệm quan lại, những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… thì không được làm quan cùng một chỗ. Đến thời vua Minh Mạng, Luật Hồi tỵ còn mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới để hạn chế quan lại lợi dụng. 
Cha ông ta tuy ở thời phong kiến nhưng đã manh nha quan điểm dân chủ tiến bộ. Việc chọn người tài đức chủ yếu thông qua khoa cử minh bạch và thực hiện nghiêm luật vua ban nên đã chọn được nhiều người tài đức, thu hút được người thực tài phụng sự đất nước.
 Quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức của ta hiện nay chắc chắn tiến bộ, khoa học hơn những điều luật của cha ông xưa. Tuy nhiên quy định, luật pháp luôn có khe hở dễ bị lợi dụng. Ví như nguyên tắc dân chủ sẽ phát huy tốt khi tập thể đó gồm những con người trung thực, những nhân cách độc lập. Khi mà cả cơ quan toàn thấy người nhà của một vài cán bộ thì ý chí tập thể sẽ chỉ là của một vài người. Lúc đó quy trình được dùng như "bức tranh đẹp" che đậy cho những "khuôn hình không đẹp". Kết quả là có những cơ quan quyền lực thấy toàn người "cận huyết thống". Và, giống như cận huyết thống trong hôn nhân, cái xấu, khuyết điểm sẽ bị che dấu, "tích hợp".
 Dần dần, đội ngũ công quyền sẽ có những cán bộ ốm yếu về năng lực, dị dạng về nhân cách, tiềm ẩn hậu quả khôn lường.
Hoàng Đình Khải
Bài đăng Báo Người cao tuổi 7/10/2016

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Suy ngẫm:



Đại gia lãnh đạo



Trong xã hội Nho giáo xưa, mối quan hệ tam cương ngũ thường là chuẩn mực đạo đức để mọi người rèn dũa. Nhiều chuẩn mực trong xã hội phong kiến nay không còn phù hợp. Tuy nhiên, vẫn có những điểm còn nguyên giá trị, trong đó có mối quan hệ giữa lãnh đạo với Nhân dân, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa công chức với cá nhân…

Nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An nổi tiếng là một người cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi. Trong quan hệ với học trò ông luôn nghiêm khắc đến khắt khe song lại rất quý mến những học trò giữ được phẩm giá, liêm sỉ. Với học trò cũ, dù đã làm quan nhưng nếu không có liêm sỉ, ưa tham lại nếu muốn đến thăm thầy cũ ông cũng quyết không tiếp. Còn những học trò thành tài và giữ được phẩm giá trở lại thăm, với ông đó là món quà quý giá. Ông cũng tuyệt nhiên không nhận quà biếu vật chất. Ngay cả vua tặng lụa là ông cũng chỉ nhận cho đúng phép vua tôi rồi mang tặng lại người già, kẻ thiếu chứ không dùng thứ không phải do lao động của mình mà có.




Người lãnh đạo không phải là nhà giáo nhưng về mặt nào đó, phẩm chất đạo đức, mối quan hệ, ứng xử cũng chính là tấm gương giáo dục và là niềm tin đối với  người dân. Hiện có tình trạng nhiều cán bộ chức quyền quan hệ khá dễ dãi, thân thiết với doanh nhân, người giàu (sau khi họ là lãnh đạo, không kể bạn cũ, họ hàng). Tất nhiên, luật pháp không cấm người lãnh đạo có mối quan hệ ngoài công việc vì đó là quyền của mỗi người.

Một người khi có quyền lực trong tay cũng giống như họ đang được giữ một "kho tài sản" của công. Chức tước càng to thì cái "kho" ấy càng lớn. Nếu nhận thức bản chất chuyện này thì người giữ "kho" phải luôn cảnh giác trước các mối quan hệ, nhất là quan hệ mới. Đơn giản, xuề xòa thì cái "kho" sẽ bị kẻ gian tìm hiểu và đột nhập bất kì lúc nào mỗi khi sơ hở. Còn khi người giữ "kho" cố ý quan hệ với những người không đáng tin thì đằng sau mối quan hệ đó chính là sự không đáng tin.

Cái "trục" lãnh đạo - đại gia - đại ca đã được đại biểu Quốc hội nhắc tới. Mở rộng đấu tranh chống tham nhũng sang khu vực kinh tế tư nhân cũng đã được Quốc hội bàn thảo vì thực tiễn đã có những "cánh hẩu", trục lợi từ quan hệ. Có không ít dự án kinh tế tư nhân đã được chính quyền địa phương "vô tình" làm lợi cho doanh nghiệp, xâm phạm thô bạo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai…

Trong xã hội thông tin kết nối dễ dàng ngày nay, mọi mối quan hệ đều dễ kết nối. Cách ứng xử của nhà giáo Chu Văn An rất đáng để người cán bộ lãnh đạo muốn giữ được mình trong sạch và liêm sỉ noi theo. Một chính quyền kiến tạo trước tiên phải liêm chính. Chính quyền liêm chính chỉ có được khi trong đó bao gồm những con người liêm chính, trọng liêm sỉ hơn vật chất./.

Đinh Hoàng

Bài mục suy ngẫm, đăng Báo Người cao tuổi ngày 12 tháng 12 năm 2017

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Bình luận: Phức tạp "con cháu" của Luật

Phức tạp “con cháu" của Luật

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta có lẽ khác so với các nước tiên tiến trên thế giới, đó là ngoài Hiến pháp và các Luật ra còn có các tầng nấc khác như Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn… để cụ thể hóa từng bộ luật.
Lẽ thường, mỗi luật được ban hành cần cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, thuận tiện khi triển khai và thực hiện được ngay. Tuy nhiên, thực tiễn hầu hết các luật sau khi ban hành đều phải chờ thêm việc cụ thể hóa bằng nghị định, thông tư. Vì vậy đã xảy ra chuyện có khi Thông tư "to" hơn Nghị định, Nghị định "to" hơn luật… Ví dụ việc một số bộ, ngành ban hành quy chế bổ nhiệm hàm, chức danh không có trong luật nào và thế là nhiều vụ trưởng, vụ phó "không vụ" được "sinh ra", Nhà nước phải “chạy theo” bảo đảm chế độ, chính sách cho những chức danh mới...
Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 33/2017 quy định chi tiết một số điều Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ trong đó sửa đổi, bổ sung quy định ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất… đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo cơ quan ban hành, mục đích của việc này nhằm bảo đảm quyền lợi cho các thành viên có chung quyền sở hữu, hạn chế tranh chấp…


Theo Khoản 2, Điều 98 của Luật Đất đai năm 2013 Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. Như vậy điều luật đã khá rõ ràng, không cần thiết ban hành thông tư trên rồi tuyền truyền không đến nơi đến chốn gây sự hiểu lầm trong dư luận.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 45/2017/TT-BGTVT đã đưa một số giấy tờ không có giá trị là giấy tờ tuỳ thân khi đi máy bay gồm Thẻ đảng viên, Thẻ nhà báo, Giấy phép lái xe khiến dư luận phán ứng gay gắt. Sai sót được nhận thức ngay nhưng “trái bóng trách nhiệm” cũng bị chuyền qua lại giữa một số cơ quan giúp việc và cuối cùng chốt lại do “đánh máy”! Cũng tại Bộ này, việc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài quy định xe taxi hoạt động khai thác tại sân bay này phải có niên hạn không quá 6 năm khiến nhiều doanh nghiệp giật mình! Phải chăng nay một doanh nghiệp cũng có quyền ban hành văn bản quy định điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp khác?
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần rà soát lại quy trình và quyền hạn ban hành các văn bản dưới luật của cơ quan tham mưu để bảo đảm chất lượng, hạn chế sai sót. Đừng để sinh ra những “con cháu” dư thừa và khuyết tật của luật.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 6 tháng 12 năm 2017

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Bình luận: Giá điện "ô van"



 Dòng quan họ-Cách đây đúng 2 năm Báo Người cao tuổi đăng bài bình luận Giá điện “ô van” và blog Dòng quan họ đăng lại ngày 29/12/2015. Cũng như lượng độc giả báo giấy của Báo Người cao tuổi, số lượng truy cập vào trang blog Dòng quan họ tăng vọt cùng một số bạn đọc tâm huyêt gửi email cho tác giả chia sẻ tâm đắc, coi bài viết như điểm vào đúng “huyệt” của EVN. Việc tăng giá của EVN từ đó chững lại, không đều nhịp “đến hẹn lại lên” như trước đó. Đến nay, sau những chuẩn bị hậu trường pháp lí, EVN đã có bảo bối trong tay để lại duy trì nhịp tăng giá trong phạm vi 5%. Hôm nay giá điện của EVN được Bộ Công Thương cho tăng 6,08%. Dòng quan họ xin đăng lại bài viết
Giá điện… ô-van!

Thời gian dài trước đây hễ xăng dầu, than tăng giá là y như rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại nhấp nhổm đòi tăng giá với lí do đầu vào sản xuất tăng. Nay giá xăng dầu giảm đã mấy tháng, xuống gần 70% song có vẻ giá điện đang “án binh bất động”. Cách đây chưa lâu khi hàng loạt hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt, khiến dư luận bức xúc, EVN đã phải trình 3 phương án bậc thang giá để chuyên gia, người dân tham khảo, lựa chọn. Tuy nhiên cái “thang” ấy chiều cao không đổi, tức giá điện cao nhất vẫn là 2.587đồng/kW. Vậy là các đối tượng dùng điện phải tự thỏa thuận với nhau xem theo phương án nào có lợi.
Cái “thang” giá điện có gì bí mật, phải chăng đó là bí quyết kinh doanh của EVN? Chưa trông đợi việc giảm giá song ta hãy xem cái “thang” giá điện hiện nay đã hợp lí hay chưa?


Hãy hình dung chiếc thang tre để xem EVN đã vận dụng "đóng" giá điện bậc thang ra sao: Thông thường chiếc thang được đóng theo nguyên tắc bậc ở chân thang rộng, càng lên cao càng thu hẹp lại để bảo đảm an toàn chịu lực. Nhưng EVN đã thiết kế “thang” giá điện theo nguyên tắc khác biệt, chỉ thu lợi cho người “bán thang” chứ không phải vì người “leo thang”. Xem khoảng cách giữa các bậc thang của EVN đã “đóng”: Bậc 1: 1.484 đồng/kW; bậc 2: 1.533 đồng/kW; bậc 3: 1.786 đồng/kW; bậc 4: 2.242 đồng/kW; bậc 5: 2.503 đồng/kW; bậc 6: 2.587 đồng/kW. Tương ứng độ rộng các bậc thang lần lượt là: 49 đồng; 253 đồng; 456 đồng; 261 đồng và 84 đồng. (Lúc này bậc 6 cao hơn bậc khởi đầu là 1.103 đồng, tương đương tăng 74%).
Sơ đồ “thang” giá này cho thấy khoảng từ bậc 2 đến 5 có độ rộng “khủng” nhất. Lẽ ra theo nguyên tắc “thang tre” khi bậc đầu độ rộng là 49 đồng thì các bậc trên phải ngắn dần (chẳng hạn là 47; 45; 43; 41 đồng…). Nhưng EVN đã không theo nguyên tắc đó, bảng giá của họ thực ra là giá điện… ô-van, phình rất to ở giữa chứ đâu phải hình thang. Với "chiếc ô-van" giá này, chỉ người dùng bậc đầu (50kW) hưởng giá thấp. Tuy nhiên với mức sống và tiêu thụ điện của dân ta hiện nay thì số người dùng bậc giá đầu không nhiều, nếu không nói là rất ít. Mức tiêu thụ điện phổ biến các hộ ở nông thôn đều trên 50 đến 100kW. Con số người dùng điện ở các mức là bí mật của EVN, cùng với sự không minh bạch các yếu tố cấu thành giá điện có lẽ là “bí quyết kinh doanh” của họ. EVN cho rằng giá điện bình quân đang là 1.622,01đ/kWh, cần nâng lên. Tuy nhiên nếu cộng 6 mức giá điện tại bảng trên chia 6 thì phải là 2.202đ/kW. Không hiểu vì sao kết quả lại được EVN hạ xuống như vậy. Thực tiễn tiêu thụ điện còn khác xa cái gọi là giá bình quân. Ví dụ số hộ dùng bậc 1 là 1, số hộ dùng bậc 3, 4, 5… là 100 thì giá điện bình quân là bao nhiêu? Nhìn vào “chiếc ô-van” giá trên đây mọi người có thể đoán ra, số hộ dùng điện ở những bậc nào là nhiều nhất, và bên bán điện lợi nhiều hay ít chính là ở nhóm này.
Tại sao EVN không theo nguyên tắc “đóng thang” đúng nghĩa? Tại sao họ không hạ độ cao của cây thang (2.587đ) xuống 1.747đ hay 1.800đ… chẳng hạn? Lẽ ra với mức tiền điện nhiều hộ tăng vọt như mấy tháng Hè vừa qua, EVN phải lắng nghe rồi thu hẹp “chiều rộng” bậc và hạ chiều cao “cây thang” giá xuống cho phù hợp mức sống của người dân? Nhưng EVN vẫn đang “chùng chình” giữ giá điện hiện nay và biết đâu khi có thời cơ sẽ tăng giá tiếp để tối đa hóa lợi nhuận. 
EVN là doanh nghiệp nhà nước, đang độc quyền mua bán điện. Cái mà EVN mang lại lợi ích lớn nhất cho Quốc gia chính là tạo điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu chỉ vì lợi nhuận của EVN để so đo, tính toán thì nền kinh tế sẽ thiệt hại không nhỏ, lợi riêng đó cao đến mức nào cũng không thể bù đắp. Nếu người lãnh đạo vĩ mô nhìn rõ điều này thì rất cần có bàn tay cứng rắn để “uốn nắn” EVN, trước hết là “chỉnh” lại cách đóng "chiếc thang ô-van" giá điện.
Đinh Hoàng
(Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi 28/12/2015)